Trang Chủ / Tin tức / Chi tiết tin tức

Những bà mẹ chiến đấu với ung thư

Ung thư là căn bệnh thiết nghĩ bất cứ ai nghe qua cũng cảm thấy sợ và cho rằng ít gặp. Vậy nhưng, hàng chục bệnh nhân đến với mái ấm Gary mỗi ngày vẫn đang phải chống chọi với thử thách nghiệt ngã đến từ số phận. Không biết từ bao giờ nhiều người trong số họ không còn coi đó là tờ giấy báo tử, mà là cơ hội để cảm nghiệm sự tử tế và yêu thương, với khát khao sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết vì những người yêu thương của mình.

 

Để con còn mẹ

 

Lúc nghe bác sĩ thông báo mắc ung thư vú, chị Nguyễn Thị Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) như chết lặng. Chị nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, đến người chồng chịu thương chịu khó và hai đứa con ăn chưa no lo chưa tới. Nuốt nước mắt vào trong, chị đứng lên bắt đầu chiến đấu với bệnh tật. 

 

Do mắc bệnh tiểu đường và men gan cao, hành trình điều trị ung thư của chị gian nan hơn người khác rất nhiều. Tháng 10/2020, ba tháng sau ngày phát hiện bệnh, chị bước vào phòng phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau đó, chị tiến hành hóa trị theo phác đồ của bác sĩ. Những ngày đầu vô thuốc, chị không ăn uống được gì, nôn mửa liên tục. Hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng cũng rút cạn sức sống trong con người chị. Cơ thể chị phù nề, mắt trũng, tóc rụng từng nắm. 

 

Những người phụ nữ tâm sự với nhau sau một ngày điều trị tại bệnh viện

 

Bên cạnh sự suy nhược về thể chất, nỗi lo về kinh tế cũng khiến chị hao mòn. Từ ngày mắc bệnh, chị thấy mình vô dụng vì chỉ nằm một chỗ, bao nhiêu tiền bạc trong nhà đều đổ hết vào căn bệnh của mình. Mỗi lần lên Sài Gòn hóa trị, chỉ với 70 ngàn thuê một chỗ đặt lưng chật chội, nóng nực, không có nhà vệ sinh, nhưng cũng khiến chị phải đắn đo. Nhiều khi chị vạ vật ngủ tạm ở một góc nào đó cho qua ngày, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. 

 

Động lực lớn nhất để chị Mỹ không từ bỏ là gia đình mình. Chồng chị thương vợ, cố gắng kiếm thêm việc làm thuê làm mướn cho vợ an tâm chữa trị. Hai cậu con trai hiểu chuyện, sáng mẹ mới ra khỏi nhà trưa đã gọi điện hỏi thăm: “Mẹ có vào được thuốc không, mẹ đã về tới mái ấm chưa?”.

 

“Tui phấn đấu chữa bệnh không chi hết mà để sống với con. Để con trưởng thành, về nhà hấn thấy mẹ hấn còn đó hấn mừng” - Chị Mỹ nói bằng chất giọng Hà Tĩnh đặc trưng.

 

“Bệnh này chữa làm gì cho phí tiền?”

 

Chị Mỹ may mắn có gia đình đồng hành với mình trên hành trình chống chọi với ung thư. Nhưng chị H’Liễu Niê (Đăk Lăk) thì không như vậy. Chị H’Liễu Niê mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn vào gan và xương. Nhưng, người phụ nữ dân tộc Ê Đê cho biết gia đình không ủng hộ việc điều trị của chị. Do thiếu hiểu biết, họ cho rằng ung thư là bệnh không thể chữa được. Hơn thế, đó còn là căn bệnh gây tán gia bại sản. Những câu hỏi như “bao giờ bán nhà?”, “bao giờ bán xe?”, “bệnh này chữa làm gì cho phí tiền” từ chính những người thân thuộc như những nhát dao cứa vào lòng chị. 

 

Chị H’Liễu Niê (áo vàng) cùng những người chị em tại mái ấm Gary

 

Đã nhiều lần, vì không muốn trở thành gánh nặng cho chồng con, chị H’Lieu từ bỏ hóa trị. Nhưng nhìn 3 đứa con thơ dại, nghe những lời động viên của các thành viên tại mái ấm Gary, chị vực lại tinh thần, quyết tâm phải sống để các con còn mẹ. 

 

Khi được hỏi có bao giờ cảm thấy đơn độc trong những ngày tháng chạy chữa, chị trả lời: “Với người khác tôi không biết nhưng tôi thì quen rồi. Tôi coi đó là cái số của mình, mình đành chấp nhận, ráng sống vui vẻ, lạc quan mà đối diện”. Nói rồi chị xoa xoa cái đầu trọc của mình: “Chị Ánh ở mái ấm Gary cạo cho đó, cạo đi để gọn gàng, sạch sẽ, nhất là không thấy tóc rụng mà xuống tinh thần”. 

 

Với chị Mỹ và chị H’Liễu, ung thư là nghịch cảnh, nhưng cũng là cơ hội để họ nhận ra lòng tốt và sự tự tế vẫn còn hiện diện ở khắp mọi nơi. Đó là những người hàng xóm sẵn sàng bớt chút thời gian lo cơm nước giùm chị Mỹ những ngày chị vắng nhà, là người bệnh nhân trong một lần tình cờ gặp đã giới thiệu chị Mỹ về với mái ấm Gary để được lo ăn ở miễn phí, là những người thân quen tại Gary đã trở thành bạn đồng hành với chị H’Liễu Niê trong suốt 3 năm trị bệnh một mình. Nhờ những sự khích lệ đó, chị đã can đảm bước tiếp mà không khuất phục trước lưỡi hái tử thần. 

 

Bữa cơm ấm áp buổi chiều của các thành viên trong mái ấm

 

“Ở đây có chị có em, có người bầu bạn chia sẻ nhiều khi muốn ở hoài luôn chứ không muốn về nhà nữa” - Chị Mỹ và chị H’Liễu nhìn nhau cười. 

 

Linh mục Trần Văn Phát (phụ trách mái ấm Gary) cho biết: “Bệnh nhân đến với mái ấm Gary đều rất phấn khởi vì nơi đây có không khí trong lành, có con người thân thiện và đầy đủ những thuận lợi cần thiết cho việc điều trị. Những niềm vui nho nhỏ như được nấu nướng, được tắm rửa, được giặt giũ quần áo... tưởng chừng như đơn giản nhưng ở bệnh viện khó để có được. Điều đó giúp họ nâng cao tinh thần, có động lực hơn trong quá trình điều trị”. 

 

Tin tức liên quan (89)

Thông báo tuyển dụng

Chi Nhánh Doanh Nghiệp Xã Hội Mai Tâm Cơ Sở Chăm Sóc Người Cao Tuổi Vị Hoàng thông báo tuyển dụng

Healing Night – Risen: Không chỉ sống cho mình mà con sống cho nhau

Tối 27/4, đêm nhạc Healing Night – Risen đã diễn ra đầy ấm cúng tại The Adora Center (Hoàng Văn Thụ) với sự tham gia của hơn 1.000 ân nhân và bạn hữu của Mai Tâm Family.

Nơi thấy ánh sáng niềm vui hy vọng trở lại

“Tụi cô đâu có biết nhau, tại vì phòng khám thân thiện nên mọi người cứ ngồi lại là nói chuyện y hệt người thân vậy đó”. Nếu không nói, chắc ai cũng nghĩ các bệnh nhân ở phòng khám đều biết nhau, vì lúc nào nhìn họ cũng trò chuyện rất thân thiết. Thật ra, chẳng ai quen nhau cả. Sự gần gũi đó chỉ đơn giản là vì họ tìm thấy ở nhau, ở phòng khám sự đồng điệu, chia sẻ cho những khó khăn trong đời sống của mình.

[Phỏng vấn cha Toại] Healing Night - Risen: Trước hết là giúp mỗi người chữa lành cho chính mình

Sau nhiều lần trì hoãn do Covid-19, Healing Night lần 2 sẽ chính thức diễn ra vào tối 27/4/2022 tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) với chủ đề “Risen”

Không có ranh giới cho sự tử tế

Nằm trong khuôn viên nhà thờ Đồng Tiến, nhiều người nghĩ rằng phòng khám Mai Khôi - Đồng Tiến chỉ dành cho những bệnh nhân Công Giáo. Thực tế, mỗi ngày phòng khám vẫn đón tiếp rất nhiều bệnh nhân ngoại đạo đến điều trị. Bà Nguyễn Ngọc Mai và bà Vũ Thị Lan là những bệnh nhân như vậy.