Trang Chủ / Tin tức / Chi tiết tin tức

Chốn cưu mang bệnh nhân nghèo ở TPHCM

“Thế cô có muốn về Mái ấm Gary không? Ở mái ấm sướng lắm, như khách sạn vậy đó” - tại Bệnh viện Ung Bướu, mọi người vẫn thường giới thiệu với nhau như vậy về một mái ấm chuyên hỗ trợ nơi ăn chốn ở miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

 

Ngủ cầu vượt vì không có tiền thuê trọ

Ở độ tuổi 74, bà Nguyễn Thị Đặng (Gia Lai) được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư vú. Bà một thân một mình vào TP.HCM tiến hành hóa trị. Ba tháng đầu tiên vào thuốc theo toa tuần, cứ bảy ngày thì có đến 4-5 ngày bà ở bệnh viện. Để tiện đi lại, bà thuê một phòng trọ sát bên Bệnh viện Ung Bướu. 

Căn phòng chỉ vỏn vẹn 2m2 cho hai người ở, giá 70.000 đồng/người/đêm, không có nhà vệ sinh riêng. Mọi sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, giặt giũ đều bất tiện. Nóng nực, chật chội, cộng thêm sự hành hạ của những liều hóa chất, bà Đặng thường xuyên thức trắng. 

Nguyên liệu chế biến bữa ăn cho các bệnh nhân mỗi ngày phần lớn do những nhà hảo tâm đóng góp - Ảnh: Thái Cường

 

Chi phí điều trị ngày càng nhiều hơn, kinh tế dần khánh kiệt. Có những đêm không có đủ tiền thuê trọ, bà đành nằm co ro ở một góc cầu vượt. Một lần đang ngồi chờ kết quả xét nghiệm, bà Đặng trò chuyện với bệnh nhân bên cạnh. “Chị em tâm sự với nhau, tôi mới biết được có một nơi tên là Mái ấm Gary giúp những người như tôi chỗ ăn chỗ ở. Tôi xin thầy cho tôi được vô mái ấm, thầy đồng ý, tôi mừng quá trời” - bà Đặng cho biết. 

Cũng như bà Đặng, hơn 30 bệnh nhân lưu trú mỗi ngày tại Mái ấm Gary đều có cho mình những câu chuyện đặc biệt như vậy. 

 

Ngôi nhà chung của bệnh nhân nghèo

Gary nằm khuất trong con hẻm 165 Tam Châu, P.Tam Bình, TP.Thủ Đức. Mái ấm này được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 8/2014 từ ý tưởng của ông Gary Smuckler - một nhà hoạt động xã hội từng chung sống với căn bệnh ung thư lúc cuối đời. 

Hằng ngày, các tình nguyện viên của mái ấm sẽ vào Bệnh viện Ung Bướu thăm bệnh nhân. Biết ai có hoàn cảnh khó khăn, họ hướng dẫn người bệnh về với Mái ấm Gary để được hỗ trợ. Dần dần, tiếng lành đồn xa, số lượng bệnh nhân biết đến mái ấm ngày càng nhiều hơn.

Mái ấm Gary hiện có 12 phòng bệnh khang trang, có nhà vệ sinh riêng. Thang máy được thiết kế vừa với băng ca để thuận tiện trong quá trình di chuyển. Khu bếp ăn rộng rãi, các bữa ăn được chuẩn bị với đầy đủ dinh dưỡng để hỗ trợ điều trị và tăng sức đề kháng cho người bệnh. Hằng ngày, mái ấm có xe đưa đón bệnh nhân đến bệnh viện điều trị và rước họ về vào buổi chiều. 

Từ ngày về với Mái ấm Gary, sức khỏe bà Đặng được cải thiện nhiều. Bà chia sẻ: “Phòng ốc ở đây thoáng đãng, mát mẻ, tôi ngủ được 80% so với hồi trước. Lúc nào khỏe thì ăn cơm, lúc nào mệt thì báo cô bếp nấu cháo. Với người già như tôi như vậy là tuyệt vời lắm rồi”.

Linh mục Trần Văn Phát (phụ trách Mái ấm Gary) cho biết bệnh nhân về với Mái ấm Gary rất vui thích vì ở đây có môi trường sống tốt, được ăn uống theo nhu cầu, tắm rửa, giặt quần áo. Những niềm vui nho nhỏ như vậy ở bệnh viện hoặc ở phòng trọ nhiều khi họ rất khó để có được. 

 

Hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ 

Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản, Mái ấm Gary còn chú trọng chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh. Với những bệnh nhân không có người nhà đi kèm, các tình nguyện viên có chuyên môn tại mái ấm sẽ hỗ trợ họ thay băng, rửa vết thương, chăm sóc lúc trở nặng và các sinh hoạt hằng ngày. Mái ấm thường tổ chức các buổi chia sẻ để nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho các thành viên. Việc điều trị của người bệnh tại bệnh viện cũng luôn được theo dõi sát sao để đưa ra tư vấn phù hợp.

“Nhiều bệnh nhân đến với mái ấm kiến thức còn hạn chế. Có người mang trong người 2-3 loại bệnh, thấy bác sĩ phát nhiều thuốc mà không biết phải uống thế nào, chúng tôi hướng dẫn để họ uống đúng theo chỉ định. Có những bệnh nhân thấy mình không khỏe mà bác sĩ không kê thuốc nên tự ra tiệm thuốc mua uống. Chúng tôi cũng tư vấn cho họ hiểu làm như vậy sẽ khó cho bác sĩ điều trị” - anh Vũ Duy Khánh (tình nguyện viên tại mái ấm) cho biết.

Sự nhiệt tình, chu đáo đó của đội ngũ nhân viên mái ấm đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho những ai đã từng lưu trú tại đây. Chị Nguyễn Thị Đào (người nhà bệnh nhân Nguyễn Thanh Huy), một trong những “khách quen” của mái ấm suốt ba năm nay chia sẻ: “Mọi người ở đây chăm sóc nhau như người nhà vậy đó. Cô Linh ở trên kia bị ung thư nặng, ngày hai lần các tình nguyện viên đều giúp vệ sinh vết thương. Mới hôm kia nửa đêm có bệnh nhân cần đi bệnh viện, nhân viên mái ấm chở đi liền, sẵn sàng ở lại chăm sóc tới khi xuất viện”.

 

Liều thuốc chữa trị hiệu quả nhất cho người bệnh

Sau những giờ điều trị mệt mỏi, khi trở về mái ấm, các thành viên được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí để thư giãn tinh thần. Nhiều đoàn từ thiện từ khắp nơi thường xuyên đến đây giao lưu, tạo bầu không khí vui vẻ. Vào một vài dịp đặc biệt trong năm, mái ấm sẽ tổ chức các chuyến du lịch ngắn ngày cho tất cả các thành viên để mọi người có cơ hội khám phá thiên nhiên, quên đi nỗi đau bệnh tật và khơi gợi lòng ham sống. 

Những dịp cuối tuần, tất cả mọi người thường tụ tập đông đủ, chơi các trò chơi dân gian, tổ chức các chương trình ca nhạc hay giãi bày tâm sự với nhau. Mỗi thành viên dù mới đến lần đầu hay đã lưu trú ở đây lâu dài đều được xem như người thân trong gia đình. 

Anh Khánh tâm sự: “Có một bệnh nhân người đồng bào mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Gia đình chị cho rằng ung thư là căn bệnh lây truyền và là căn bệnh gây sạt nghiệp. Thay vì động viên, an ủi, họ thường nói với chị những câu như “khi nào bán nhà”, “khi nào bán xe”, “bệnh này chữa làm gì cho phí tiền”. Mặc dù vậy, nghe những lời động viên của mọi người ở mái ấm, chị vẫn giữ được một tinh thần rất lạc quan, cố gắng vừa nuôi ba con ăn học vừa chữa bệnh”.

“Một trong những đóng góp lớn nhất mà Mái ấm Gary mang lại cho bệnh nhân là giúp họ thay đổi về nhận thức. Được trải nghiệm sự tử tế, lắng nghe và chia sẻ, họ biết trân trọng sức khỏe của bản thân lấy lại niềm tin và khát vọng sống. Đó là lúc họ đã tìm được liều thuốc chữa trị hiệu quả nhất cho chính mình” - linh mục Trần Văn Phát chia sẻ. 

Trong suốt bảy năm qua, Mái ấm Gary đã đón tiếp hơn 70.000 lượt bệnh nhân, trở thành địa chỉ lưu trú quen thuộc của nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vào TPHCM chữa trị. Sau những giờ hóa trị, xạ trị đau đớn, họ về đây để được xoa dịu, vỗ về và nạp đầy năng lượng sống. Ngày mai, họ lại đứng lên trở thành những chiến binh kiên cường không khuất phục trước số phận.

Bài đăng trên báo Phụ Nữ Online: https://www.phunuonline.com.vn/chon-cuu-mang-benh-nhan-ngheo-o-tphcm-a1439831.html

 

 
 

Tin tức liên quan (89)

Thông báo tuyển dụng

Chi Nhánh Doanh Nghiệp Xã Hội Mai Tâm Cơ Sở Chăm Sóc Người Cao Tuổi Vị Hoàng thông báo tuyển dụng

Healing Night – Risen: Không chỉ sống cho mình mà con sống cho nhau

Tối 27/4, đêm nhạc Healing Night – Risen đã diễn ra đầy ấm cúng tại The Adora Center (Hoàng Văn Thụ) với sự tham gia của hơn 1.000 ân nhân và bạn hữu của Mai Tâm Family.

Nơi thấy ánh sáng niềm vui hy vọng trở lại

“Tụi cô đâu có biết nhau, tại vì phòng khám thân thiện nên mọi người cứ ngồi lại là nói chuyện y hệt người thân vậy đó”. Nếu không nói, chắc ai cũng nghĩ các bệnh nhân ở phòng khám đều biết nhau, vì lúc nào nhìn họ cũng trò chuyện rất thân thiết. Thật ra, chẳng ai quen nhau cả. Sự gần gũi đó chỉ đơn giản là vì họ tìm thấy ở nhau, ở phòng khám sự đồng điệu, chia sẻ cho những khó khăn trong đời sống của mình.

[Phỏng vấn cha Toại] Healing Night - Risen: Trước hết là giúp mỗi người chữa lành cho chính mình

Sau nhiều lần trì hoãn do Covid-19, Healing Night lần 2 sẽ chính thức diễn ra vào tối 27/4/2022 tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) với chủ đề “Risen”

Không có ranh giới cho sự tử tế

Nằm trong khuôn viên nhà thờ Đồng Tiến, nhiều người nghĩ rằng phòng khám Mai Khôi - Đồng Tiến chỉ dành cho những bệnh nhân Công Giáo. Thực tế, mỗi ngày phòng khám vẫn đón tiếp rất nhiều bệnh nhân ngoại đạo đến điều trị. Bà Nguyễn Ngọc Mai và bà Vũ Thị Lan là những bệnh nhân như vậy.